Lịch sử thành văn của trọn một thiên niên kỷ vừa qua, giới sử học chúng ta đã quan tâm nhiều và chủ yếu đến một lịch sử giữ nước mà chưa thật quan tâm đúng mức đến một lịch sử dựng nước, trong đó có lịch sử trị nước (quản lý đất nước) gắn liền với vai trò và đóng góp của các triều đại phong kiến Việt Nam. Có thể cũng vì thế và qua cái lăng kính ấy, triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ có chủ quyền (1802-1884) và hơn nửa thế kỷ tiếp theo là cái bóng của chế độ thuộc địa (1884-1945) chỉ còn được nhìn nhận trong sắc màu ảm đạm của một chế độ chính trị thối nát với những triều vua phản bội dân tộc đồng lõa với ngoại bang. Chế độ phong kiến ấy đã trở thành một trong hai đối tượng trong cương lĩnh chính trị của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ “phản đế – phản phong”. Triều đại ấy thường chỉ nhận được một cách đánh giá: sự phủ nhận, đồng nghĩa với những gì xấu xa, đáng bị nguyền rủa. Điều này cũng làm cho những dấu tích vật chất (mà thực chất là một phần di sản văn hóa dân tộc) gắn liền với triều đại này đã bị hủy hoại hay để mai một khá lâu.
Nhưng chính sự nghiệp xây dựng đất nước và đặc biệt là tư duy của công cuộc đổi mới kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ này đã đòi hỏi và kích thích một cái nhìn thực hơn về quá khứ gần gũi với thời đại chúng ta là triều Nguyễn. Thực ra, đó là sự nhìn nhận lại toàn bộ thế kỷ kề cận với thế kỷ XX. Và người ta càng nhận thấy rằng cái thế kỷ XIX ấy giống như cái bản lề, cái cầu nối giữa xã hội truyền thống và hiện đại trong những điều kiện thử thách ác liệt của sự áp đặt chế độ thực dân đến từ bên ngoài.
Nhập danh sách email cần giới thiệu (phân cách nhau dấu ;)
Nhập tài khoản cần tìm trong hệ thống
Chọn danh sách bạn bè sẽ giới thiệu
Viết giới thiệu của bạn