Thơ hay ở
nước ta không hiếm. Tác động của nó trong cuộc sống lại không
nhỏ.
Mới ở dạng
vần vè, nó đã cần cho sự sống như miếng cơm, không khí. Câu hát ru của mẹ đã đưa
cái buổi “chiều chiều”vào giấc ngủ trứng nước của con. “Ông giẳng ông giăng” đã
xuống chia vui Trung thu với các em nhi đồng. Bước lên ca dao thì “chuối bà
hương, đường mía lau” là ngọt thơm lòng mẹ mọi đời. “Con thuyền, cái bến”, “núi
che mặt trời” là tình yêu nghìn thuở. Ở liễn, đối thì đã là một nét văn hoá cao
nghiêm. Chia buồn đám tang, gởi qua thế giới bên kia một lời thương đứt ruột;
ghé vui ngày cưới ; thêm chất thiêng ở đền miếu ; gói cái hi vọng đẹp đẽ cho một
năm mới, dù chữ nghĩa buộc phải hàm súc tối đa vẫn theo ý vị phong tao... Cõi
giới của thơ thật là mênh mông. Dõng dạc trước trời đất cái vận mệnh “vạn cổ”
của “giang san”; ghi chợt một phút giây xúc cảm của trái tim, của trí tuệ trước
một cảnh “dở dang” mà thành tuyên ngôn thiên cổ.
Báo chí xưa
nay chẳng bao giờ thiếu mặt thơ ca. Nhà trường càng cần biết bao nhiêu những bài
thơ hay.
Thế nào là
thơ hay ? Trăm nhà trăm cách hiểu. Có lẽ câu của Hoàng Đức Lương ở đầu cuốn
“Trích diễm thi tập” (nửa sau thế kỉ XV) là câu có sức gợi mạnh : “Gỏi và chả là
vị tuyệt ngon trong thiên hạ, gấm và vóc là màu tuyệt đẹp trong thiên hạ. Phàm
những người có miệng, có mắt ai cũng đều biết quý trọng, không coi thường. Đến
như thơ thì lại là sắc đẹp ở ngoài sắc đẹp, vị ngon ở ngoài vị ngon, không thể
xem bằng con mắt thường, đọc bằng cái miệng thường...…”.
Như vậy biết
thơ hay thường không dễ. Biết hay ở đâu, làm sao cho người khác cũng thấy hay
lại khó gấp bao lần. Mỗi thời mỗi hay, mỗi nơi mỗi hay, mỗi người mỗi hay,...
Thơ hay dường như không bao giờ cạn. Do đó, một chỗ dựa rất
cần.
Bình thơ vốn
là một truyền thống của ông cha xưa. Bình, trước tiên là đọc có nghệ thuật, sau
đó là góp ý kiến phẩm bình đôi ba lời. Đông người hay ít người cũng vậy. Còn
nhiều ý nhiều lời thì ở bài tựa bài bạt, đó là chuyện khác. Phẩm bình thơ cũng
không ít lí luận. Phương Tây có nhiều trường phái, chủ nghĩa. Phương Đông và
nước ta từ quan niệm vũ trụ chuyển vào quan niệm văn chương, cảm thức thiên về
tượng trưng, ngôn ngữ chuộng hàm súc, siêu ngôn, vô ngôn, trực cảm chứ không ham
phân tích, tổng chi lấy cái thần làm chỗ quy tụ theo quan niệm thẩm mĩ Việt Nam
mà nguyên lí “tinh khí thần” trong nghệ thuật tuồng là một biểu hiện sâu sắc.
Người viết muốn gom góp một ít ánh sáng soi đường. Xưa có, nay có, thêm Tây mà
không quên Đông, không được “giẫm lên bước chân” người đi trước nhưng cũng không
ngại những trải nghiệm, thủ thuật riêng.
Thơ hay như
hoa quý. Vườn thơ là cả trời đất Việt, không chỉ là vườn ngự uyển. Hoa đồng cũng
thi đẹp thi thơm bên những vần nhả ngọc phun
châu.