Cuốn sách này là kết quả của sự kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu
đi trước, đặc biệt là các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản và sự nỗ lực
nghiên cứu của bản thân trong một thời gian dài. Cuốn sách được cấu trúc thành 3
phần lớn.
Phần Một. Minh Trị Duy tân gồm có 4 chương.
Chương 1. Khái quát về Minh Trị Duy tân trình bày các quan điểm khác nhau về
tính chất, phân kì, nội dung cơ bản và ý nghĩa quốc tế của Minh Trị Duy tân.
Chương 2. Đánh đổ Tokugawa Bakufu và thiết lập chính quyền Minh Trị (1853 –
1868) trình bày hoàn cảnh lịch sử, diễn biến của quá trình lịch sử từ “Tôn Vương
nhương Di” đến “Tôn Vương đảo Mạc” và sự thành lập chính quyền mới : chính quyền
Minh Trị.
Chương 3. Tiến hành các cuộc cải cách (1868 – 1877) trình bày hàng loạt các cuộc
cải cách được tiến hành vào thời kì đầu của Minh Trị nhằm “xoá bỏ cái cũ”, tức
là chế độ Baku Han và những tàn dư của nó và “xây dựng cái mới”, tức là những
nền tảng của quốc gia độc lập, tư bản chủ nghĩa (TBCN) và tiên tiến.
Chương 4. Con đường đi tới “phú quốc cường binh” (1878 – 1895) trình bày quá
trình ban hành Hiến pháp đầu tiên, quá trình công nghiệp hoá (CNH) và hiện đại
hoá (HĐH), tạo ra sự thay đổi kì diệu trên tất cả các lĩnh vực, đưa Nhật Bản trở
thành một cường quốc trên thế giới.
Phần Hai. Những vấn đề về Minh Trị Duy tân gồm 6 chương.
Chương 5. Saigo Takamori với Minh Trị Duy tân trình bày vai trò to lớn của ông
đối với việc lật đổ chế độ Tokugawa, thiết lập chính quyền Minh Trị cũng như sự
nghiệp Duy tân đất nước.
Chương 6. Okubo Toshimichi với Minh Trị Duy tân trình bày vai trò to lớn của ông
đối sự nghiệp Duy tân thời Minh Trị với tư cách là nhân vật trung tâm của chính
quyền Minh Trị thời kì đầu.
Chương 7. Kido Takayoshi với Minh Trị Duy tân trình bày vai trò to lớn của ông
đối với sự nghiệp Duy tân với tư cách là đại biểu cao nhất của Choshu và là nhà
điều đình xuất sắc nhất trong thời kì đầu của Minh Trị.
Chương 8. Sứ đoàn Iwakura với sự nghiệp Duy tân trình bày quá trình hình thành
sứ đoàn, hoạt động của sứ đoàn ở Âu – Mĩ và vai trò của sứ đoàn đối với sự
nghiệp Duy tân.
Chương 9. Phong trào du học Âu – Mĩ của thanh niên Nhật Bản thời Minh Trị trình
bày chính sách gửi thanh niên Nhật Bản sang lưu học ở các trường đại học Âu – Mĩ
và vai trò của nó trong sự nghiệp Duy tân đất nước.
Chương 10. Chuyên gia nước ngoài với sự nghiệp Duy tân Nhật Bản trình bày chính
sách thuê chuyên gia, chế độ đãi ngộ chuyên gia của chính quyền Minh Trị và vai
trò của các chuyên gia trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá Nhật Bản
thời Minh Trị.
Phần Ba. Minh Trị Duy tân và Việt Nam gồm
2 chương.
Chương 11. Giới trí thức Nhật Bản thời Minh Trị viết về Việt Nam trình bày về
các đại biểu trí thức Nhật Bản thời Minh Trị đã quan tâm và nhận thức về Việt
Nam như thế nào.
Chương 12. Giới trí thức Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX viết về Minh Trị
Duy tân trình bày nhận thức của 4 trí thức tiêu biểu của Việt Nam cuối thế kỉ
XIX đầu thế kỉ XX đối với Minh Trị Duy tân.
Phần Phụ lục : Phan Bội Châu viết về các nhà lãnh đạo Minh Trị Duy tân trình bày
về những nhận định của Phan Bội Châu đối với hai nhân vật lịch sử có công lao to
lớn đối với sự nghiệp Duy tân : Yoshida Shoin và Saigo Takamori. Bài viết còn đề
cập đến cách sử dụng một cách khéo léo, tài tình các nhân vật lịch sử để giáo
dục tinh thần Duy tân, tinh thần cách mạng cho nhân dân Việt Nam của Phan Bội
Châu.
Phần Tài liệu tham khảo trình bày đầy đủ các tài liệu tham khảo chính bằng tiếng
Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật.
Trong cuốn sách này nguyên tắc cách viết tên của người Nhật là viết họ trước,
tên sau như tiếng Việt chứ không viết tên trước, họ sau như Âu Mĩ. Cách phiên âm
tên người, tên đất Nhật Bản rất phức tạp nên chúng tôi đã cố gắng phiên âm và
chú thích một cách cẩn thận để các nhà nghiên cứu tiện tra cứu. Những tên người,
tên đất quan trọng thì chúng tôi cố gắng phụ thêm cả chữ Nhật lẫn phiên âm Hán –
Việt để người đọc tiện đối chiếu. Tên của người Nhật dài nên chúng tôi chỉ viết
đầy đủ họ tên trong lần đầu tiên còn sau đó sẽ viết tắt, tức là chỉ dùng cách
viết phổ biến nhất của người Nhật (có trường hợp viết tắt họ nhưng cũng có
trường hợp viết tắt tên).