Tập 4 của ĐẠI
CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM xin được giới thiệu với bạn đọc gần xa một số kết
quả khảo cứu về văn hoá Việt Nam từ giữa thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII. Theo
dự kiến ban đầu thì tập 4 chỉ dừng lại trong khuôn khổ duy nhất là trình bày kết
quả khảo sát về thành tựu của văn hoá dân gian trong thế kỉ XVI, XVII và XVIII,
nhưng sau khi cân nhắc và nhất là sau khi trân trọng và thận trọng tham khảo ý
kiến quý báu của các bậc đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, chúng tôi đã mạnh dạn
thay đổi cấu trúc và nội dung của tập 4. Ở đây, văn hoá dân gian là một nội dung
rất quan trọng nhưng không phải nội dung duy nhất. Bởi lẽ này, thay vì có tên
gọi riêng như dự kiến trước đây là Những thành tựu huy hoàng của văn hoá dân
gian, tập 4 lại có tên gọi riêng là Văn hoá Việt Nam từ đầu thế kỉ XVI đến cuối
thế kỉ XVIII.
Từ
giữa thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII là khoảng thời gian đầy biến cố của lịch
sử Việt Nam.
Triều Mạc được dựng lên, đất nước chưa kịp ổn định đã bị chấn động mạnh mẽ bởi
cục diện Nam – Bắc triều và cuộc chiến tranh Lê – Mạc. Khi nhà Lê (tức lúc này
là Nam triều) chưa thực sự kiểm soát được toàn cõi thì Đại Việt lại bị chia cắt
rất lâu dài và ác liệt bởi cục diện chính trị Đàng Ngoài – Đàng Trong rồi tiếp
đến là bị lâm vào cảnh chém giết tương tàn bởi cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Và vào nửa sau của thế kỉ XVIII, từ đất Tây Sơn, ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn
Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) đã cùng nhau dựng cờ xướng nghĩa, kêu gọi nhân dân
cả nước (mà trước hết là nông dân) vùng lên khuấy nước chọc trời. Cơn bão lửa
quật khởi ấy đã thiêu trụi toàn bộ cơ đồ thống trị của họ Nguyễn ở Đàng Trong và
họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Thế kỉ XVIII được giới sử học mệnh danh là thế kỉ của
chiến tranh nông dân, thế kỉ của hàng loạt những sự kiện kinh thiên động địa,
thế kỉ lừng lẫy tên tuổi của các vị thủ lĩnh nông dân kiệt hiệt như Nguyễn
Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất, Lê Duy
Mật. Ba thế kỉ dồn dập biến cố lịch sử rất lớn lao nói trên cũng là ba thế kỉ
không ngừng biến đổi của đời sống văn hoá. Từ giữa thế kỉ XVI, quá trình sụp đổ
từng mảng của Nho giáo đã liên tiếp diễn ra, ngược lại quá trình phát triển của
cả Phật giáo và Đạo giáo ở trong lòng xã hội được khẳng định. Tất nhiên, đây là
thời kì mà sự nhiễu nhương đã tràn ngập vào khắp mọi ngõ ngách của xã hội, Phật
giáo và Đạo giáo cũng không thể nào tránh hết những tác động của thực tế này. Từ
giữa thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII, cấu trúc và tính chất của văn hoá Việt
Nam đã có rất nhiều biến thái. Từ
đây, văn hoá cung đình và văn hoá dân gian có hẳn hai lộ trình phát triển gần
như là riêng biệt, đồng thời, cũng có hai hệ thống tiêu chí đánh giá rất khác
nhau. Tuy nhiên, nếu cần so sánh để dễ hình dung thì chúng ta cũng có thể khẳng
định rằng, đỉnh cao huy hoàng đáng tự hào nhất của giai đoạn lịch sử này là hàng
loạt những thành tựu của văn hoá dân gian. Văn học dân gian, hội hoạ dân gian,
nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian, nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, tất
cả đều để lại dấu ấn khó phai mờ. Nhưng, tiếp cận và khai thác những giá trị của
văn hoá dân gian là một công việc rất khó khăn. Để có thể lắng nghe rồi hiểu
được và nhất là thẩm định được vài làn điệu dân ca, tất nhiên là phải có một
chút kiến thức về âm nhạc.
Để
có thể cảm nhận được và nhất là giới thiệu được vài bức tranh dân gian, tất
nhiên là phải được trang bị một chút kiến thức về hội hoạ. Tương tự như vậy, để
có thể tìm thấy được những giá trị triết lí trong chuyện kể dân gian thì tất
nhiên là cũng phải có chút kiến thức về thủ pháp nghệ thuật và sắc thái diễn đạt
của xã hội ở mỗi thời và mỗi nơi. Nói khác hơn, phép cộng giản đơn của tất cả
những chút rất nho nhỏ ấy chính là công phu khó nhọc học hỏi cả một cuộc đời. Có
không ít điều vốn dĩ đã quen thuộc và gắn bó rất mật thiết với chúng ta, nhưng,
nào phải vì thế mà ai ai cũng đều có thể dễ dàng hiểu hết được. Kho tàng văn hoá
dân gian là một ví dụ cụ thể. Tác giả của sách này không phải là một nhà văn hoá
học nên không dám lạm bàn đến những vấn đề thuộc về phương pháp luận của ngành
học này, song, cố gắng trình bày diện mạo của đời sống văn hoá dân gian như
chính quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của nó thì mọi người đều có
quyền thử sức. Trên tinh thần đó, xin được coi tập 4 của bộ ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ
VĂN HOÁ VIỆT NAM là sự cố gắng tham gia thử sức
của tác giả. Cơ sở tư liệu chủ yếu của tập 4 này là những bộ hồ sơ khảo sát thực
tế của chúng tôi. Liên tục trong mấy chục năm trời, hết vào Nam lại ra Bắc, hết
lên mạn ngược lại xuôi về duyên hải, hết thử sức kí âm, chụp ảnh đến mạo muội vẽ
hình, nói cho có vẻ to tát thì những gì thu lượm được không phải là ít. Tuy
nhiên, dân gian bao giờ cũng là dân gian ! Sự đồng thời lưu truyền nhiều dị bản
là hiện tượng rất phổ biến. Trước thực trạng ấy, chúng tôi đã cố gắng chọn lựa
và giới thiệu những bản khung giàu độ tin cậy nhất, đồng thời, cẩn trọng đối
sánh tất cả tài liệu dân gian với từng chi tiết nhỏ trong ghi chép của các thư
tịch cổ. Trước sau thì mục tiêu duy nhất của chúng tôi vẫn là hạn chế đến mức
tối đa việc khái quát chỉ dựa trên một số tư liệu đơn lẻ và phiến diện. Khi nói
đến văn hoá dân gian, một số người thường có xu hướng đóng khung sự nhìn nhận
của mình trong phạm vi duy nhất là những thành tựu đã được dân gian trân trọng
nối đời lưu giữ. Xu hướng này tuy không phải là sai nhưng dường như hàm chứa một
cái gì đó chưa thật ổn. Với sức sống phi thường và với sức cảm hoá tự thân rất
mạnh mẽ, những giá trị lớn lao của văn hoá dân gian đã vượt ra khỏi khuôn khổ
dân gian và thường xuyên thẩm thấu đến các thành tố văn hoá khác. Theo chúng
tôi, sẽ thật khó mà hiểu được đầy đủ về trước tác của các cây đại bút sống và
viết trong giai đoạn lịch sử này, đặc biệt là trước tác của Hồ Xuân Hương, nếu
chúng ta không được trang bị một vốn hiểu biết nhất định nào đó về văn hoá dân
gian. Như trên đã nói, đây là thời kì hình thành và phát triển chồng chéo của
nhiều cục diện chính trị khác nhau, trong đó, lâu dài và quyết liệt nhất là cục
diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Sự định hình và biệt lập hàng thế kỉ của hai xứ đã
dẫn đến hệ quả rất tự nhiên là bản sắc riêng của mỗi xứ cũng theo thời gian mà
hiện lên ngày càng rõ. Xét về bản chất, văn hoá Việt trước sau vẫn là văn hoá
Việt, song, bởi những ảnh hưởng và tác động liên tục từ nhiều hướng khác nhau,
sắc thái văn hoá cụ thể của mỗi thời và mỗi nơi lại không hoàn toàn giống nhau.
Hiện tượng này đã đồng thời thể hiện rất rõ trên cả hai lộ trình phát triển của
văn hoá lúc bấy giờ là cung đình và dân gian. Cho nên, phát hiện và trân trọng
ghi nhận được tất cả những sắc thái cụ thể ấy cũng có nghĩa là đã thiết thực góp
phần làm phong phú thêm những hiểu biết về lịch sử văn hoá Việt
Nam. Giai đoạn nào cũng đều có những
nhân vật tiêu biểu xứng đáng đại diện cho cả giai đoạn đó, thậm chí, có nhân vật
còn xứng đáng đại diện tất cả tinh hoa và khí phách của dân tộc. Nếu chọn những
nhân vật kiệt xuất như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý
Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông,
làm biểu tượng của văn hoá nước nhà trong kỉ nguyên 8 Chương 1. BA TRĂM NĂM GIÓ
NỔI CAN QUA độc lập, tự chủ và thống nhất (đầu thế kỉ X đến cuối thế kỉ XV) thì
ắt hẳn là không ai phản bác, nhưng nếu chọn những nhân vật làm biểu tượng cho
lịch sử văn hoá nước nhà trong giai đoạn lịch sử này thì quả là rất khó. Lí do
căn bản là bởi chúng ta chưa từng có dịp cùng nhau trao đổi thấu đáo về hệ thống
tiêu chí để chọn lựa. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong bạn đọc hiểu và thông
cảm cho các nhân vật mà chúng tôi thử cố gắng chọn lựa để giới thiệu trong tập 4
này như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đào Duy Từ, Mạc Thiên Tích, Lê Hữu Trác,
Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du,... cũng chỉ có ý nghĩa rất tương đối trong một số lĩnh
vực văn hoá nhất định. Đó là chưa nói rằng, dẫu sao thì tất cả cũng đều dừng lại
trong khuôn khổ nhận định và đánh giá riêng của cá nhân tác giả.