Kỹ
thuật bưu ảnh có từ cuối thế kỷ XIX, nhưng phải đến năm 1900 những bưu ảnh đầu
tiên mới có mặt tại Việt Nam. Tại Sài Gòn, bà Wirth là một trong những người đầu
tiên phát hành những bưu ảnh về Sài Gòn tại cửa hàng “Au gagne petit” (Thu nhập
con cò). Những bưu ảnh này có chất lượng khá tốt, nhưng tiếc là không có chú
thích nên ngày nay chúng ta khó xác định đó là những ảnh chụp lúc nào ở đâu. Năm
1906, tại cuộc triển lãm thuộc địa ở Marseille, nhiều bộ bưu ảnh về
Nam kỳ (Sài Gòn) đã được trưng bày.
Đó
là những bộ bưu ảnh khá thú vị được các Nhà xuất bản Wirth, Poujade de Ladevège
và Plante xuất bản và sau đó được bày bán tại các cửa hàng của nhà xuất bản trên
đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay). Những bưu ảnh về Sài Gòn mà chúng tôi sưu
tập được thật phong phú và đa dạng (khoảng 500 bưu ảnh) được tìm thấy ở trong
sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (nay thuộc Thư viện Viện thông tin Khoa
học Xã hội Việt Nam) trong các phông của cơ quan lưu trữ Trung ương, các sách
báo tạp chí xuất bản đầu thế kỷ XX và đặc biệt là trong các nhà sư tập tư nhân
trên khắp mọi miền đất nước... “Sài Gòn qua bưu ảnh xưa” là tập hợp 100 ảnh và
bưu ảnh tiêu biểu về Sài Gòn tập trung trên các lĩnh vực: kiến trúc, văn hoá,
đời sống, kinh tế,...
Dù
thời gian có làm phai mờ hay lấy mất đi những dấu tích của lịch sử, nhưng trong
ký ức của người Sài Gòn, mỗi góc phố, con đường sinh hoạt đời sống... của Sài
Gòn xưa vẫn luôn có giá trị nhất định trong đời sống hiện tại; đặc biệt là khi
đối diện với những bưu ảnh, mỗi chúng ta như đang trở về với những dòng suy
tưởng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong mối quan hệ giữa chúng ta với
thế giới. (Nguyễn Hạnh)