“Hôn
lễ tháng Ba” đầy ắp không khí gia đình. Lấy điểm tựa là những mối quan hệ gia
đình như cha con, vợ chồng, anh chị em, và có điểm nhấn đặc biệt vào người phụ
nữ trong gia đình, những câu chuyện trong “Hôn lễ tháng Ba” nhiều khi thực sự
khiến ta rơi lệ. Câu chuyện trong nhà “Nhà bốn người” là một ví dụ. Một cô bé bị
bỏ rơi và được nhận về làm con nuôi trong một gia đình nhân hậu, vì một sự sắp
đặt cố tình, cô bé cứ ngỡ mình là con đẻ và cậu em trai 8 tuổi mới là con nuôi.
Cái nhạy cảm và sự non nớt không chín chắn của một cô bé 16 tuổi đã đẩy cậu em
trai dễ thương ngoan ngoãn kia tới cái chết bi thương, khi nhận được ra sự thật
thì tất cả đã quá muộn, nhưng may mắn cho cô là cô còn Cha Mẹ nuôi, họ đã sẵn
sàng đón cô trở về sau cái chết đau đớn của chính đứa con trai dứt ruột sinh ra
của mình. Dường như cuộc sống của một phụ nữ đã có gia đình khiến cho cây viết
24 tuổi này có những cái nhìn sâu sắc và thực sự đã chạm được vào những chi tiết
rất đắt từ những số phận những con người, dù có chút hư cấu hay có những điều
dường như không tưởng, nhưng sẽ dễ dàng nhận thấy hầu như những nhân vật của Tào
Đình đều được đưa vào từ những nguyên mẫu ngoài đời thực.
“Hôn
lễ tháng Ba” đầy ắp những xúc cảm tình yêu. Có thể nhận thấy điều đó ở nhiều
truyện ngắn trong tập truyện ngắn này của Tào Đình như “Tiểu Khả, kiếp sau anh
sẽ cưới em”, “Bầu trời màu da cam” hay “Hôn lễ tháng Ba” trong đó “Tiểu Khả,
kiếp sau sẽ cưới em” hứa hẹn sẽ là một câu chuyện để lại nhiều day dứt. Câu
chuyện kể về Tiểu Khả, một cô gái xinh đẹp nhưng bị tâm thần. Với một tâm hồn
trong sáng như trẻ thơ, cô đem lòng yêu bạn thân của anh trai mình và tình yêu
từ đó làm nảy sinh bi kịch. Cách viết bài bản, chủ động dẫn dắt cốt truyện, câu
từ nhẹ nhàng làm cho những câu chuyện của Tào Đình dễ làm cho người đọc cảm thấy
gần gũi, thấy yêu thương hơn những người thân ở xung quanh
mình.
Với
những tác phẩm đã từng xuất bản ở Việt Nam như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”; “Yêu
anh hơn cả tử thần”; Thiên thần sa ngã; Hồng hạnh thổn thức; Anh trai-em gái…Tào
Đình, nhà văn trẻ Trung Quốc đã gây nên một cơn chấn động nho nhỏ trong lòng độc
giả Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ. Trong các tác phẩm của mình, Tào Đình
chủ động xây dựng hình tượng về những phụ nữ xinh đẹp có quá khứ không hạnh
phúc. Họ dù bứt lên trong hiện tại để sống thì cuối cùng vẫn gặp lại hình ảnh cũ
của mình trong quá khứ, như một sự bám đuổi quyết liệt, day dứt và điều đó khiến
những câu chuyện luôn luôn kết thúc trong bi kịch. Chính điều này khiến những
tác phẩm của Tào Đình có những chi tiết thực sự khiến cho người đọc cảm thấy đôi
phần ngột ngạt, bí bức. Ngột ngạt mà vẫn đọc, đọc như tìm thấy được một phần
mình trong đó.
Sự
tái ngộ với độc giả Việt Nam lần này qua một tập truyện ngắn sẽ khiến cho nhiều
người yêu văn chương của Tào Đình hài lòng không chỉ ở sự mới lạ của tập truyện
(trước đây cô vẫn được biết đến với thể loại tiểu thuyết) mà đó còn như là một
lời chúc, một món quà có ý nghĩa để chúng ta dành tặng cho những người phụ nữ mà
chúng ta yêu mến trong ngày phụ nữ mồng 8 tháng 3, cũng là một cách đã chúng ta
ngồi và chiêm nghiệm lại, cùng thông cảm với những số phận của người phụ nữ
trong cuộc sống hiện đại ngày nay.