Khi
nói đến Thiền thì rất nhiều người nghĩ ngay đến sự kỳ diệu của nó, thậm chí rất
hiểu về nó nhưng lại không biết nó có ý nghĩa trí tuệ rất cao siêu và có thể
dùng phương thức đặc thù của nó để giác ngộ.
Hiện
nay, rất nhiều người tinh thần bị ức chế, tâm hồn trống rỗng, những dục vọng
phát triển, lòng người phù hoa mà lạnh nhạt, chủ nghĩa danh lợi ngày càng xâm
nhập vào đời sống con người. Chúng ta có rất ít thời gian rảnh rỗi để đi sâu
nghiên cứu ý nghĩa và giá trị vốn có của cuộc sống. Chúng ta đang dần dần trở
thành nô lệ của vật chất.
Ánh
sáng trí tuệ mà người xưa đã truyền lại có thể giúp cho chúng ta tìm được câu
trả lời. Nếu nói tâm hồn dị hoá giống như một hoang mạc thì Thiền giống như
thanh phong cam tuyền, như đương đầu với một tiếng thét lớn có thể giúp chúng ta
duy trì sự giác tỉnh, giúp chúng ta biết quay về khi bị lạc đường, dẫn dắt tâm
hồn chúng ta đi vào cảnh giới tự do, siêu thoát, cho nên rất đáng được chúng ta
sưu tầm và nghiên cứu.
Hiện
nay, môn Thiền ngày càng được coi trọng vì nó là kiến thức đích thực của cuộc
sống, có quan hệ rất mật thiết với cuộc sống của mỗi người. Cuốn sách này mong
muốn dùng phương thức tự nhiên, thoải mái để chỉ ra cái đạo cao siêu huyền diệu
của Thiền.
Thiền
là một tôn giáo và cũng là một môn học đặc thù. Thiền là một loại Đạo. Cổ nhân
đã từng nói “Vi học nhật ích” có nghĩa là bạn học tri thức thì sẽ có thu hoạch
và tiến bộ hàng ngày; “Vi Đạo nhật tổn” có nghĩa là bạn học Đạo thì mỗi ngày đều
phải chịu tổn thất, phải bỏ đi một cái gì đó, mỗi ngày bạn phải bỏ đi một số
khái niệm nào đó, một sự chấp trước nào đó, một quan niệm nào đó mà mình nghĩ là
đúng.
Tên
gọi đầy đủ của Thiền là Thiền Na, có nghĩa là tĩnh hư, tư duy tu. Tĩnh hư là
ngăn chặn những suy nghĩ của người khác, buộc phải chuyên chú vào một cảnh để
suy nghĩ. Cũng có nghĩa là khi tu Thiền, phải trút bỏ tất cả những vọng niệm
không nên có, làm cho tâm hồn chuyên chú vào một cảnh để nghiền ngẫm suy
nghĩ.