Hỗ trợ:
84-028-3845 3333
Giỏ hàng:
0
(0)
Adolf Hitler và sự sụp đổ của chế độ Đức Quốc xã
Tìm kiếm phân loại
tu-dien-cho-android-sachbaovn.jpg
tu-dien-nhat-viet-sachbaovn.jpg
Hoạt động thành viên
Giới thiệu

Dù Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) đã lùi vào quá khứ hơn 60 năm, nhân loại sẽ không bao giờ quên những hậu quả thảm khốc của nó và họ càng không thể không nhớ tên tuổi của người châm ngòi cuộc chiến : Adolf Hitler (1889 – 1945). Được biết đến không chỉ là người khai sinh chế độ Quốc xã – một trong những chế độ bạo ác nhất trong lịch sử nhân loại, Hitler còn là người nắm toàn bộ quyền lực ở Đức cho đến tận những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến.

Tất sẽ phát sinh câu hỏi: làm sao mà Đức, một đất nước từng sản sinh biết bao nhà triết học vĩ đại, nhà văn kiệt xuất, nhà bác học tên tuổi, nhà hoạt động xã hội lừng danh : Martin Luther, Georg Hegel, Karl Marx, Friedrich von Schiller, Johann Wolfgang von Goethe, Emmanuel Kant, Thomas Mann, Stephan Zweig… thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, đồng thời lại dung chứa Hitler, một nhà hoạt động chính trị công khai gieo rắc các ý tưởng khinh miệt các giá trị nhân văn và hơn thế nữa, còn bầu chọn ông ta làm người lãnh đạo tối cao của mình nữa.

Tác phẩm “Adolf Hitler và sự sụp đổ của chế độ Đức Quốc xã” được Lê Phụng Hoàng, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn nhằm góp phần trả lời câu hỏi trên. Cuốn sách không đơn giản đề cập đến tiểu sử Hitler mà còn là công trình khảo sát chế độ Quốc xã, một sự vận dụng điển hình của chủ nghĩa phát xít. Tác giả cố gắng mang đến cho người đọc cách nhìn nhận mới về một loạt vấn đề liên quan đến lịch sử Đức, lịch sử quan hệ quốc tế ở châu Âu trong quãng thời gian từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Tác giả cho rằng chủ nghĩa phát xít không đơn giản là chủ nghĩa tư bản độc quyền tài chính mà nên được xem xét trong mối tương quan chặt chẽ với ý thức dân chủ còn thấp của một bộ phận quần chúng Đức. Điều này được thể hiện rõ trong suốt quá trình tiến đến quyền lực bằng con đường hợp pháp của Đảng Quốc xã. Thắng lợi của Đảng này còn bắt nguồn từ tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong phong trào công nhân Đức được bộc lộ thành quan hệ thù địch giữa Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) và Đảng Cộng sản Đức (KPD). Ách thống trị chuyên chế của chế độ Quốc xã đè nặng lên mọi tầng lớp và giai cấp, không loại trừ bất kì ai.

Về mặt đối ngoại, chế độ Quốc xã Đức theo đuổi chính sách hiếu chiến và bành trướng nhằm vào tất cả mọi nước, bất kể đó là nước tư bản hay xã hội chủ nghĩa. Do vậy, đối tượng của Đức Quốc xã không chỉ là Liên bang Soviet, mà còn là hầu hết các nước châu Âu khác, trong đó có các nước tư bản hàng đầu như Anh, Pháp. Hội nghị Munich là sự phá sản của chính sách xoa dịu mà các nước Anh và Pháp đã theo đuổi trong nửa sau thập niên 1930, hơn là kết quả của một âm mưu dùng Đức Quốc xã như một đạo quân tiên phong chống Cách mạng Nga và đất nước Soviet. Sự sụp đổ của Đức Quốc xã vào tháng 5 – 1945 là kết quả của nỗ lực hợp tác giữa các dân tộc, các nước thuộc phe Đồng minh mà trước hết là ba đại cường quốc Liên Xô, Hoa Kì và Anh. Dù không diễn ra một cách tự nhiên, mà phải vượt qua biết bao trở ngại, nỗ lực hợp tác vừa nêu cho thấy rằng nếu biết vượt lên trên những bất đồng về văn hoá, về chính trị, xã hội…, thì nhân loại sẽ tự đảm bảo sự sống còn của mình với tất cả mọi phẩm giá, sẽ tự vạch được cho mình một tương lai xán lạn…

Dù đối tượng phục vụ được xác định là độc giả đại chúng do sách được biên soạn với văn phong không hàn lâm nhằm giúp bạn đọc nắm bắt toàn bộ nội dung của tác phẩm một cách không khó khăn, tác phẩm còn là một nguồn tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn bậc Đại học và Cao đẳng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Adolf Hitler và sự sụp đổ của chế độ Đức Quốc xã” của Lê Phụng Hoàng đến đông đảo bạn đọc. (Lê Vinh Quốc Nhà giáo ưu tú – giảng viên chính).

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận