Sự
nghiệp của Vua Quang Trung đã nổi lên cách nay hơn 200 năm, nhưng những vấn đề
lịch sử liên quan đến cuộc đời đầy sóng gió của ông luôn là đề tài nghiên cứu
của nhiều học giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử.
Như
chúng ta đã biết trong thế kỷ 19, ký ức về Quang Trung Nguyễn Huệ đã bị bôi nhọ
bởi triều Nguyễn, nhưng sang thế kỷ 20 Quang Trung - Nguyễn Huệ lại trở thành
trung tâm của các vấn đề quan trọng của đất nước như: Đấu tranh giai cấp, kháng
chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, chủ nghĩa dân tộc, ngoại giao, nội
trị và đặc biệt là xây dựng đất nước. Chính những ảnh hưởng như vậy nên từ những
năm 1950 và cho đến nay, giới nghiên cứu đã có nhiều công trình nghiên cứu về
Quang Trung – Nguyễn Huệ, đáng chú ý là các nghiên cứu của Hoa Bằng - Hoàng Trúc
Trâm, VS Trần Huy Liệu, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Phan Trần Chúc GS. Văn Tân, GS.
Phan Huy Lê, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Phương.... Đặc biệt năm 1963 có nổi lên
cuộc tranh luận trong giới sử học 2 miền Nam, Bắc về vấn đề: Ai là người thống
nhất đất nước - Nguyễn Huệ hay Gia Long?.... Sau năm 1975, giới khoa học có điều
kiện để tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu từ nhiều phía, đồng thời qua các đợt
khảo sát điền dã, khai quật khảo cổ đã góp phần làm rõ một số vấn đề lịch sử
đang còn tồn nghi về Nhà Tây Sơn, đặc biệt là Quang Trung - Nguyễn Huệ...
Tập
sách “Quang Trung – Nguyễn Huệ – Những di sản & bài học” là tập hợp gồm 38
bài viết của các nhà khoa học, học giả, nhà văn hóa đã được đăng trên Tạp chí
Nghiên cứu Lịch sử (từ năm 1956 đến 1960) và Tạp chí Xưa&Nay (từ 1994 đến
nay).