J. La Fontaine
là nhà ngụ ngôn và nhà văn cổ điển nổi tiếng nhất thế kỷ XVII của Pháp.
Ông sáng tác từ năm 1658. Chịu sự dạy bảo của cha, một viên chức quản
lý rừng địa phương, sau thời gian học tại Paris, ông trở lại quê nhà sống và
tiếp tục làm nghề của cha hai mươi năm, sống giữa thiên nhiên và con người nông
thôn. Chính vì vậy trong các tác phẩm của ông luôn có hình ảnh của thiên nhiên
và ngòi bút của ông rất sắc sảo khi viết đến con người. La Fontaine sáng tác
nhiều, văn phong của ông mang nặng chất thơ, nhẹ nhàng, vui tươi dí dỏm và đa
dạng. Như các nhà văn cổ điển khác, ông có vốn kiến thức cổ kim sâu rộng, qua
các câu chuyện của ông, ông răn dạy người đời bằng nghệ thuật ngôn ngữ. Ông chịu
ảnh hưởng sâu sắc của triết học Gaxăngđi. Về thơ, La Fontaine có những tác phẩm
trong sáng, giản dị, khúc triết, cân đối, về văn, ông là một nhà văn cổ điển độc
đáo, bay nhảy và tự do. La Fontaine từng học thần học, luật và thành luật sư tại
Đại Pháp viện, năm 1683 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Thơ ngụ ngôn của nhà thơ tiêu biểu cho bút pháp nhẹ nhàng linh hoạt,
uyên bác, hài hước, dí dỏm và cũng mơ mộng, phóng túng. La Fontaine có nhiều bài
thơ nổi tiếng: Ve và Kiến, Quạ và cáo, Chó sói và cừu non, Thần chết và lão tiều
phu, Con cáo và chùm nho, Gà trống và cáo, Ông già và các con, Gà mái đẻ trứng
vàng, Thỏ và rùa, Chó thả mồi bắt bóng, Đám ma sư tử, Hội đồng chuột, ... Chúng
đã trở thành điển hình cho các tính cách và các tình huống của cuộc sống. Nhà
thơ kế thừa truyền thống sáng tác của các nhà thơ ngụ ngôn trước ông như Edốv
(Hy Lạp), Brabiux (Syria), Phedro (La Mã) và sáng tạo nhiều hình tượng mới có
tính chất thời đại.La Fontaine trở thành nhà văn quen thuộc của mọi lứa tuổi,
mọi thời đại, và ngày nay thơ ông vẫn giữ nguyên giá trị thời sự sâu
sắc.